Chương trình nhằm đẩy mạnh các biện pháp khẩn cấp phòng chống sự lây lan của dịch bệnh, cung cấp thông tin hỗ trợ cảnh báo sớm, hướng tới chăm sóc, điều trị và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Ba đơn vị nhận được tài trợ của Quỹ Đổi mới sáng tạo VINIF (Tập đoàn Vingroup) gồm: Công ty TNHH Một Thành viên Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng.
Trong đó, Công ty TNHH Một Thành viên Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) sẽ nhận tài trợ 8 tỷ đồng cho dự án nghiên cứu: “Phát triển vắc-xin chống lại chủng mới của virut corona (COVID-19) trên giá thể baculovirus ở quy mô phòng thí nghiệm” do chủ tịch công ty TS. Đỗ Tuấn Đạt, làm chủ nhiệm.
Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương nhận tài trợ gần 7,5 tỷ đồng cho đề tài “Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ và Virut bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virut corona mới 2019 (2019-nCoV) tại Việt Nam” do PGS.TS. Phan Trọng Lân làm chủ nhiệm, Viện trưởng Viện VSDT TƯ. GS.TS. Đặng Đức Anh, làm phó chủ nhiệm.
Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng nhận tài trợ 4 tỷ đồng với đề tài “Phát triển hệ thống cảnh báo sớm quốc gia về dịch bệnh COVID-19 toàn cầu nhằm đánh giá nguy cơ lây nhiễm và xây dựng kế hoạch đáp ứng khẩn cấp” do Viện trưởng GS.TS. Lê Thị Hương làm chủ nhiệm.
Các dự án để nhận tài trợ đã trải qua đầy đủ các quy trình xét chọn từ việc lập hồ sơ, gửi phản biện, họp hội đồng và ra quyết định tài trợ từ Hội đồng khoa học (gồm các nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực công nghệ sinh học, y học dự phòng, vệ sinh dịch tễ và điều trị các bệnh truyền nhiễm trong và ngoài nước).
TS. Đỗ Tuấn Đạt (Chủ tịch Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1, Trưởng nhóm nghiên cứu vắc xin Covid-19) chia sẻ: “Khoản kinh phí hỗ trợ từ Tập đoàn Vingroup thực sự có ý nghĩa rất lớn đối với nhóm nghiên cứu của chúng tôi cũng như với cộng đồng khoa học của Việt Nam trong thời điểm cấp thiết hiện nay. Chúng tôi rất ngạc nhiên về các nỗ lực của Ban điều hành Quỹ.
Trong vòng chưa đầy 10 ngày, cả Quỹ và nhóm nghiên cứu đã hoàn thành các phần việc từ viết thuyết minh, thông qua hội đồng xét duyệt và ký kết hợp đồng triển khai – điều này chưa hề có trong bất kỳ đề xuất nghiên cứu nào của chúng tôi từ trước đến nay.
Chúng tôi, những cá nhân và đơn vị được nhận tài trợ trong đợt này, sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành các nội dung nghiên cứu đúng thời gian và tiến độ.”
Toàn bộ kinh phí tài trợ sẽ được các đơn vị sử dụng để nghiên cứu, chế tạo thử nghiệm vắc xin, xác định đặc điểm dịch tễ và virut của bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, xây dựng mô hình ước tính tình hình dịch bệnh, dự đoán khả năng lây truyền, xác định biện pháp ứng phó cần thiết, đưa ra cảnh báo phù hợp.
Cụ thể, Công ty TNHH Một Thành viên Vắc xin và Sinh phẩm số 1 dự kiến sẽ sản xuất thử nghiệm bước đầu 1000 liều vắc xin phòng Coronavirus (Covid-19) theo quy trình công nghệ sản xuất vắc xin coronavirus trên giá thể baculovirus ở quy mô phòng thí nghiệm. Vắc xin được đánh giá trên động vật trước khi thử nghiệm trên cơ thể người.
Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng sẽ xây dựng mô hình thống kê phân tích dịch, công cụ dự báo dịch và ước tính nguồn lực cần thiết.
Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương nghiên cứu đặc điểm dịch tễ, quá trình nhiễm, virut, đáp ứng huyết thanh ở người nhiễm và biện pháp ứng phó dịch Covid-19 tại miền Bắc, miền Trung, miền Nam và khu vực Tây Nguyên, đề xuất giải pháp phòng chống dịch.
Trong 3 dự án nghiên cứu trên, 2 dự án do Hội đồng Khoa học của VINIF trực tiếp thẩm định, xét chọn và sẽ thực hiện nghiệm thu, quản lý.
Dự án còn lại được VINIF tài trợ trong khuôn khổ hợp tác với Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước, Bộ KHCN. Dự này do Bộ KHCN xét duyệt thông qua Hội đồng Khoa học cấp quốc gia, sau này sẽ nghiệm thu và quản lý.
Phát biểu tại Lễ ký kết, PGS.TSKH. Phan Thị Hà Dương (Giám đốc Điều hành Quỹ Đổi mới Sáng tạo Vingroup – VinIF) cho biết: “Với vai trò là tổ chức hoạt động nhằm thúc đẩy các nghiên cứu KHCN tại Việt Nam, trước diễn biến tình hình dịch bệnh phức tạp và nguy cấp, chúng tôi mong muốn được tiếp sức cho các nhà khoa học trong việc nghiên cứu phòng và chống bệnh; và điều đó sẽ rất hiệu quả nếu phối hợp thực hiện cùng nhà nước.
Dù thời gian gấp rút, nhưng các dự án được lựa chọn đều đã được xét duyệt nghiêm ngặt qua Hội đồng cấp quốc gia hoặc qua Hội đồng Khoa học của Quỹ. Chúng tôi hy vọng rằng Việt Nam sẽ có những đóng góp khoa học và sẽ thành công trong thử thách chống dịch bệnh này”.
Đây là lần đầu tiên Bộ KHCN huy động nguồn lực xã hội hóa để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu đột xuất trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Vingroup cũng là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên chung tay cùng Nhà nước trong việc đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Mô hình là thí dụ điển hình cho thấy hệ sinh thái cho KHCN và đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã và đang mở rộng, khi doanh nghiệp vào cuộc cùng Nhà nước để giải quyết các vấn đề KHCN cấp bách của xã hội.