Giáo sư Vũ Hà Văn: “Tôi thấy thú vị khi nhận lời mời của ông Phạm Nhật Vượng”

Gặp gỡ với Chủ tịch Vingroup ở “quan điểm và mong muốn đưa khoa học phục vụ cuộc sống tốt hơn”, Giáo sư Vũ Hà Văn nhận lời làm giám đốc khoa học Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBDI.

Một ngày sau lễ ra mắt Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBDI thuộc Tập đoàn Vingroup, GS Vũ Hà Văn, Đại học Yale (Mỹ), Giám đốc khoa học của Viện đã chia sẻ về lí do và kỳ vọng khi nhận lời mời trở về. Trong lời tâm sự, GS Vũ Hà Văn không ngần ngại bộc bạch rằng bản thân thấy “bất ngờ và thú vị khi quyết định nhận lời mời của Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup Phạm Nhật Vượng về làm giám đốc Viện chỉ vì trùng quan điểm và mong muốn đưa khoa học phục vụ cuộc sống của người dân tốt hơn, người làm nghiên cứu có thu nhập cao hơn”.

Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBDI sẽ nghiên cứu các lĩnh vực mũi nhọn trong ngành dữ liệu lớn như học máy, trí tuệ nhân tạo. GS Văn nói, làm ra một vài sản phẩm có khả năng ngay lập tức thay đổi nền kinh tế là điều không tưởng, bởi nền tảng khoa học công nghệ trong nước hiện còn yếu. Nhưng với ngành dữ liệu, Việt Nam hoàn toàn có thể “đi tắt đón đầu” bằng cách tận dụng công nghệ tiên tiến thế giới vào những ứng dụng thiết thực trong cuộc sống hàng ngày.

Việt Nam là thị trường lớn có thể ứng dụng công nghệ dữ liệu vào ngành y tế, nông nghiệp, giao thông vận tải… Nhưng các dữ liệu ở dạng chuẩn hiện đang có rất ít và việc thu thập cũng hạn chế. Giáo sư Văn ví dụ từ việc khi đi làm lại chứng minh nhân dân ở quận, ông đã nhận được câu trả lời rằng không có dữ liệu vì nó được lưu ở thành phố. Điều này cho thấy, hiện tại chưa có liên thông trong khai thác dữ liệu giữa các cơ quan chuyên môn. Do đó, ngay từ bây giờ, Giáo sư mong muốn tiến hành lưu trữ dữ liệu các ngành để cộng đồng trong và ngoài nước đều có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng bất cứ lúc nào.

Từng có gần 15 năm hợp tác giảng dạy với các trường đại học trong nước, GS Vũ Hà Văn hiểu rõ, trong khoa học nếu chỉ tiến hành nghiên cứu ở cấp độ cá nhân, ảnh hưởng đến cộng đồng chỉ ở mức tương đối. Song, sự tham gia của doanh nghiệp với tiềm lực kinh tế cùng mục đích ngoài lợi nhuận sẽ góp phần thúc đẩy nền khoa học trong nước tốt lên.

Điều đó có cơ sở để thực hiện vì Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu khoa học công nghệ ứng dụng thuộc Viện, với mức đầu tư 1.000 tỷ đồng trong 3 năm, sẵn sàng tài trợ cho các dự án ý nghĩa, có tác động lớn tới xã hội. Những dự án gửi đến sẽ được xét duyệt bởi một hội đồng khoa học là các chuyên gia trong và ngoài nước. Sau khi được thông qua, các dự án có ý nghĩa sẽ được hỗ trợ cho đến khi sản xuất ra sản phẩm cuối cùng, và mức kinh phí hỗ trợ không có trần.

Ông cho rằng, đây là ước mơ và khát vọng của những người làm khoa học. Thực hiện được điều này sẽ từng bước xây dựng được văn hóa trong nghiên cứu, đó là  làm việc hết mình, đeo bám đến cùng thay vì nghiệm thu rồi để đó.

Ngay sau đây, việc thu hút chuyên gia làm trí tuệ nhân tạo danh tiếng từ nước ngoài, cũng như các nhà khoa học, sinh viên xuất sắc từ viện nghiên cứu, trường đại học trong nước sẽ được ông thực hiện. Với những cam kết đặt ra, GS Vũ Hà Văn tin sẽ thu hút, giữ chân được nhân tài và thay đổi được văn hóa nghiên cứu khoa học trong nước.

Chia sẻ:
Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin

Tin liên quan