VinBigdata – Hành trình ba năm hiện thực hóa giấc mơ công nghệ Việt

Ba năm, nhờ sự đầu tư mạnh mẽ từ Tập đoàn Vingroup, với đội ngũ hơn 200 kỹ sư, nhà khoa học, VinBigdata đang từng bước hiện thực hóa khát vọng làm chủ công nghệ lõi, từ đó, đưa những công trình nghiên cứu quốc tế trở thành sản phẩm công nghệ đại diện cho trái tim, khối óc Việt Nam và phục vụ cuộc sống của người Việt.

Khi nào công nghệ Việt Nam ghi dấu trên thế giới?

Câu hỏi vang lên trong tâm trí Bảo Nương, cô gái du học sinh Việt Nam tại Pháp, khi thăm viện bảo tàng ô tô Mercedes-Benz, tháng 7/2018. Nhưng Nương chỉ mất ba tháng để tìm được câu trả lời. Ngày 2/10/2018, một ngày sau khi gia nhập Vingroup, Bảo Nương được chứng kiến sự kiện đi vào lịch sử ngành ô tô Việt Nam – hai mẫu xe VinFast đầu tiên lăn bánh đầy kiêu hãnh trước đông đảo bạn bè quốc tế tại Paris Motor Show.

Trợ lý ảo tiếng Việt ViVi được thử nghiệm trên xe VinFast tháng 8/2021

Và chưa đầy ba năm sau, câu trả lời về con đường phát triển của khoa học – công nghệ Việt Nam trở nên sáng tỏ hơn, đối với Nương và với cộng đồng công nghệ Việt. Chỉ một tuần trong tháng 8/2021, lần lượt hai sản phẩm Xe điện tự hành cấp độ 4 tải trọng lớn (23 chỗ) – cấp độ cao thứ 2 cho công nghệ tự lái và Trợ lý ảo tiếng Việt ViVi được Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn Vingroup (VinBigdata) cho ra mắt, từng bước khẳng định năng lực công nghệ của người Việt.

Với Bảo Nương, những cảm xúc đến sau trở nên đặc biệt hơn, khi phần nào được chứng kiến quá trình phát triển và thành hình của hai sản phẩm ấy. “Vượt xa cả niềm tự hào, tôi càng thêm vững tin vào VinBigdata, vào Vingroup, vào năng lực công nghệ cũng như tầm nhìn không thua kém bất cứ tổ chức hay doanh nghiệp quốc tế nào.”

​​Và niềm tin đó, có lẽ không chỉ với riêng Bảo Nương, mà còn là ngọn lửa thắp sáng  vọng của người VinBigdata. Từng cho rằng trợ lý ảo hay xe tự hành là những công nghệ tương lai mà Việt Nam cần rất nhiều thời gian và nguồn lực để có thể bắt kịp với thế giới, giờ đây, được tận mắt chứng kiến những thành tựu này, Vũ Hồng Dân cảm nhận rõ hành trình của VinBigdata – “Đưa công nghệ từ các công trình nghiên cứu đến ứng dụng thực tiễn, đưa không thể thành có thể và mang lại những giá trị đột phá khẳng định năng lực công nghệ của Việt Nam.

Đặng Bảo Nương (Phòng MKT & Quan hệ đối tác, VinBigdata)

Vũ Hồng Dân (Trung tâm Xử lý ảnh y tế, VinBigdata)

Cống hiến vì một sản phẩm công nghệ mà Việt Nam có thể tự hào

Ngày trước, khi làm sản phẩm, mình chỉ nghĩ rằng sẽ làm tốt nhất có thể để mang lại lợi nhuận tối đa cho công ty. Nhưng giờ đây, mình không suy nghĩ về việc ViVi sẽ kiếm được bao nhiêu tiền, mà chỉ mong muốn đó sẽ là sản phẩm công nghệ tiêu biểu cho trí tuệ Việt.” – Đỗ Thị Thùy Ngân chia sẻ về nguồn động lực đặc biệt của cô cùng đội ngũ Trung tâm Công nghệ Trợ lý ảo khi tham gia dự án.

Và động lực đó đã tiếp lửa cho “những cỗ máy làm việc suốt ngày đêm”. Ngân nhớ rõ hình ảnh của các anh đồng đội “râu đang dài ra, tóc đang bạc đi, nhưng không chút để ý”, hình ảnh của các bạn cộng tác viên trẻ “làm việc đến 200 – 300% sức lực mà không hề nề hà hay phàn nàn”.

Sự đón nhận của cộng đồng đối với ViVi trong thời gian qua là kết quả đền đáp cho những vất vả của đội ngũ. Thùy Ngân cùng đồng đội hiểu rằng ViVi sẽ góp phần khẳng định năng lực công nghệ của tổ chức, là sản phẩm có thể đặt lên bàn cân với các giải pháp nổi tiếng khác trên thị trường về chất lượng xử lý dữ liệu và giao tiếp tiếng Việt. ViVi là trợ lý ảo của người Việt, cho người Việt.

Đỗ Thị Thùy Ngân (Trung tâm Công nghệ Trợ lý ảo, VinBigdata)

03 năm – Hành trình từ nghiên cứu quốc tế đến sản phẩm công nghệ đột phá

Trợ lý ảo ViVi, xe điện tự hành cấp độ 4, giải pháp AI cho chẩn đoán ảnh y tế VinDr hay công nghệ gen tiên tiến cho người Việt…, tất cả đều là những thành tựu bước đầu mà đội ngũ VinBigdata thu được sau ba năm dốc tâm phát triển. Đưa những trí tuệ Việt Nam xa xứ tập hợp dưới một mái nhà, VinBigdata đã từng bước đi tìm lời giải cho “những bài toán nếu người Việt không làm thì ai làm”. Tháng 8/2018, những ngày đầu tiên ấy, VinBigdata dần hình thành, từ bàn tay, khối óc của những trí thức Việt trở về từ Mỹ, Đức, Pháp, Hàn Quốc,…

Khởi đầu bằng định hướng được xây dựng cách đây ba năm, TS. Nguyễn Kim Anh (Giám đốc TT Công nghệ Trợ lý ảo), cựu chuyên gia tại Amazon, nuôi dưỡng ý tưởng về nền tảng chatbot hay trợ lý ảo của người Việt, tương tự những sản phẩm của Google. Đồng hành cùng anh là TS. Mạc Đăng Khoa, TS. Đặng Trần Thái, TS. Nguyễn Văn Huy, kỹ sư Nguyễn Việt Hà, cùng đông đảo đồng đội – những người giàu kinh nghiệm, và chia sẻ một tầm nhìn, một hoài bão chung về công nghệ Việt Nam.

Đội ngũ Trung tâm Công nghệ Trợ lý ảo, VinBigdata những ngày đầu tiên

“Không phải đến tận bây giờ, mà khát vọng phát triển những sản phẩm như ViVi, thực chất, đã xuất phát từ ngày đầu tiên tôi gia nhập VinBigdata. Một khi lựa chọn làm công nghệ, để tồn tại được, phải cho ra kết quả cuối cùng là sản phẩm, không chỉ dừng lại ở nghiên cứu. Đó cũng là lý do tại sao ngay từ đầu, tôi luôn đặt nghiên cứu và phát triển sản phẩm là 40:60 hoặc 50:50, chứ không bao giờ đặt 100% hoặc 80% cho nghiên cứu.”

Coi sản phẩm là đích, nghiên cứu là nền tảng vững chắc để làm chủ công nghệ lõi, tại TT Công nghệ Trợ lý ảo, một sản phẩm ra đời là sự kết tinh của hàng chục, hàng trăm nghiên cứu khác nhau. “Khi bắt tay vào làm sản phẩm, câu chuyện không còn nằm ở những con số thể hiện tính chính xác cho lời giải của bài toán, mà còn phải quan tâm đến nhu cầu của số đông. Việc chỉ tập trung vào ứng dụng những con số có thể phải trả giá bằng mức độ hài lòng của khách hàng, bởi sự chậm trễ của hệ thống trong khả năng xử lý các yêu cầu.” – cựu chuyên gia Amazon chia sẻ.

Do đó, để lắp ráp kết quả nghiên cứu vào sản phẩm, phải trải qua một quá trình kiểm thử và đánh giá chất lượng, với sự phối hợp chặt chẽ của đội ngũ chuyên gia và kỹ sư. Đây cũng chính là quy trình TT Công nghệ Trợ lý ảo đang tiến hành cho các giải pháp chatbot, voicebot, trợ lý giọng nói đa năng,…

Không chỉ với riêng Xử lý ngôn ngữ và tiếng nói, VinBigdata luôn xác định nghiên cứu khoa học là gốc rễ cho việc làm chủ công nghệ ở những lĩnh vực khác như Thị giác máy tính, Tin y sinh và Xử lý ảnh y tế. Ba năm, với tổng cộng 36 công trình khoa học được công bố tại những hội thảo, tạp chí hàng đầu thế giới; xếp thứ hạng cao tại các cuộc thi tầm cỡ quốc tế và hợp tác với 42 đơn vị, tổ chức đến từ các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Israel, Úc, Singapore…, tất cả đã góp phần khẳng định năng lực nghiên cứu của VinBigdata. Đây sẽ là “hành trang” để cả đội ngũ cùng vững bước sang giai đoạn mới – kiến tạo những sản phẩm của người Việt, mang đẳng cấp quốc tế.

Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp

Nối tiếp hành trình ba năm với thành tựu nghiên cứu khoa học đáng kể, cùng những sản phẩm công nghệ đã và đang thành hình thành hài, toàn thể đội ngũ trí thức quy tụ tại VinBigdata đã sẵn sàng cho chặng đường mới – hướng tới những sản phẩm công nghệ mang tính ứng dụng cao, góp phần cải thiện chất lượng sống của người Việt.

GS. Vũ Hà Văn cùng các nhà khoa học tại VinBigdata

“Cộng hưởng sức mạnh của hàng trăm trái tim, khối óc Việt Nam, tận dụng cơ sở dữ liệu khổng lồ đặc thù của người Việt, VinBigdata sẽ tập trung kiến tạo những sản phẩm, giải pháp chứng minh năng lực tự cường của công nghệ Việt trên trường quốc tế. Hành trình mới, không dừng lại ở nghiên cứu khoa học, mà lấy nghiên cứu khoa học là gốc rễ, VinBigdata vẫn kiên định với sứ mệnh ban đầu là làm sao Công nghệ Việt phải vì tương lai Việt.” – GS. Vũ Hà Văn (Giám đốc Khoa học VinBigdata) khẳng định.

Đẩy mạnh phát triển sản phẩm đồng nghĩa với việc VinBigdata sẽ không chấp nhận giẫm chân tại chỗ hay bằng lòng với những thành quả hiện tại, mà quyết tâm vươn ra biển lớn, sẵn sàng đương đầu với không ít khó khăn, thách thức.

TS. Đào Đức Minh (Giám đốc Điều hành VinBigdata) chia sẻ “Với VinBigdata, thử thách lớn nhất là chứng minh năng lực của mình cho cộng đồng. VinBigdata hiện đã có rất nhiều bước đột phá nội tại, đã sở hữu nền tảng công nghệ – kỹ thuật đủ mạnh, mục tiêu sắp tới là làm sao tạo nên những sản phẩm được cộng đồng công nhận.”

Bên cạnh thử thách, anh Nguyễn Đức Long – Giám đốc TT Phát triển Sản phẩm, VinBigdata – cựu Giám đốc Dự án Philips Ultrasound (Hoa Kỳ) còn nhận ra “cơ hội để VinBigdata tiếp cận thị trường sẽ lớn hơn, với nhiều triệu người sử dụng, từ đó, đưa ý nghĩa của sản phẩm ngày càng đi sâu và đi rộng. Đây cũng là mục đích cuối mà VinBigdata hướng tới: làm sao tạo được nhiều giá trị nhất cho cộng đồng. ”

Đưa nghiên cứu khoa học trở thành sản phẩm công nghệ phục vụ cộng đồng – đó chính là động lực đặc biệt của Người VinBigdata.

Và hơn hết, trên hành trình sắp tới, bệ phóng của Người VinBigdata sẽ tiếp tục được “nuôi sống” bởi thứ “nhiên liệu” bình dị – “Hạnh phúc nhất của người làm nghiên cứu và phát triển sản phẩm là khi thấy sản phẩm của mình đến với công chúng và được công chúng thừa hưởng, chứ không phải là công trình khoa học trên giấy tờ” – anh Kim Anh nhớ lại chia sẻ của đồng đội từ những ngày đầu tiên. Với động lực này, cùng tinh thần “Quyết chiến quyết thắng”, đội ngũ nhân sự VinBigdata đang từng bước hiện thực hóa khát vọng, biến những công trình nghiên cứu khoa học thành các sản phẩm công nghệ “Vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người”.

Chia sẻ:
Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin

Tin liên quan